Bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) ngày càng gia tăng cao không những ở Việt Nam mà ở cả Thế giới. Bệnh đái tháo đường là một loại bệnh không lây nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số bệnh hiểm nghèo như: tai biến mạch máu não, tim mạch, suy thận, liệt dương, đột quỵ…..
Người dân chúng ta có thể ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nếu như chúng ta có ý thức và hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh này gây ra. Vậy thì ai dễ mắc bệnh đái tháo đường này?
Nếu cơ thể bạn hay người thân có một số yếu tố được chỉ ra dưới đây thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao:
- Thừa cân, béo phì hay mỡ máu: những người có cơ thể béo phì, béo bụng, mỡ máu sẽ làm thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến gần, vì lúc này khả năng hấp thu Insulin ở người béo phì bị giảm, đến một lúc nào đó Insulin sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa và bệnh đái tháo đường xuất hiện từ đây.
- Yếu tố di truyền: trong gia đình đã có người thân mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ bạn sẽ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn người bình thường. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này bằng cách có chế độ ăn uống phù hợp và vận động thể lực để tăng cường sức đề kháng cơ thể.
- Cao huyết áp: huyết áp khi đo ở người bình thường là 120/80mmHg, nhưng khi huyết áp đo được ở mức từ 140/90mmHg trở đi được xem như là cao huyết áp. Những người bị cao huyết áp thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao, cao gấp 3 lần người bình thường.
- Ít vận động thể lực: nếu ít vận động thể lực sẽ khó giảm cân được cũng như khó kiểm soát được trọng lượng cơ thể và dễ gây nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hơn nữa việc ít hoạt động thể lực làm sức đề kháng của cơ thể với insulin tăng.
- Tuổi cao: độ tuổi từ 45 trở lên, do huyết đường tăng cao theo độ tuổi, tuổi càng tăng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường càng cao.
- Tiền đái tháo đường: nghĩa là mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng thấp hơn giới hạn đái tháo đường. Nếu người bệnh ở giai đọan này sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao. Để giảm nguy cơ này và đưa tình trạng đường huyết về mức bình thường thì cần phải giảm cân, vận động thể chất hợp lý và có chế độ ăn uống thích hợp.
- Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ: sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường về sau rất cao. Hoặc những phụ nữ đã từng sinh em bé nặng từ 4kg trở lên cũng dễ mắc bệnh đái tháo đường.
- Sắc tộc: những người thuộc sắc tộc sau có nguy cơ bị đái tháo đường cao hơn các người khác: Người Châu Á, Châu Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Latin.
- Uống nhiều rượu bia hoặc mắc bệnh gan: cũng làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường.
- Thói quen ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều thức ăn nhanh, hay nhiều mỡ động vật, chế độ ăn thiếu vitamin, chất khoáng, chất xơ gây nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Khi bạn có biểu hiện một hay nhiều yếu tố như trên thì tốt nhất chúng ta nên đi khám và làm xét nghiệm nhằm phát hiện sớm bệnh này, cũng như sẽ giúp cho việc chữa trị bệnh đái tháo đường trở nên tốt hơn rất nhiều cho người bệnh.
Nguyễn Thị Hồng Tươi