Trong số những biến chứng gây ra do tiểu đường, biến chứng về da rất thường gặp và không phải là không đáng lo ngại. Có đến một phần ba bệnh nhân tiểu đường có biểu hiện ngoài da, niêm mạc và kéo dài lâu. Các vấn đề thường gặp là da khô, ngứa ngáy, nhiễm trùng, nhiễm nấm, phồng rộp da,… vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Bài viết dưới đây sẽ nêu một số cách khắc phục các biến chứng về da do tiểu đường gây ra.
Lưu ý đến các vết thương nhỏ trên cơ thể
Có thể đối với người bình thường, một vết thương nhỏ chẳng là gì, nhưng với người tiểu đường lại là cả một vấn đề khi mà tiểu đường sẽ khiến cho các vết thương chậm lành dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm nấm. Vì vậy, lưu ý đến các vết thương nhỏ là điều cần thiết khi khắc phục các biến chứng về da do tiểu đường. Cần kiểm tra kỹ các vùng da trên cơ thể, đặc biệt là lòng bàn chân, kẽ ngón chân để phát hiện các vết thương hở. Nếu không thể kiểm soát được đường huyết, bạn hãy chú trọng việc chăm sóc vết thương bởi đường huyết cao sẽ kéo theo nguy cơ nhiễm trùng da.. Lượng đường có trong máu quá cao gây khó khăn cho các hoạt động của các tế bào bạch cầu có trong máu làm cho các vết thương hở trở nên lâu lành và thường bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, do lượng đường có trong máu quá cao, làm dày thành mạch máu gây cản trở việc vận chuyển oxi và chất dinh dưỡng đi nuôi các mô của cơ thể.
Lựa chọn các loại thực phẩm giúp ổn định đường huyết
Lượng đường huyết quá cao chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những biến chứng về da, vì vậy, lựa chọn thực phẩm cũng là một cách khắc phục biến chứng về da do tiểu đường quan trọng.
Có một số loại thực phẩm rất tốt, có lợi cho đường huyết như nhóm tinh bột và nhóm rau xanh. Trên thực tế, có một số loại tinh bột nguyên hạt có chứa nhiều chất xơ, Omega 3 như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, các loại đậu,…– các chất cần thiết để tăng cường vành động mạch, hạn chế huyết áp cao và ổn định đường huyết. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung nhiều loại rau xanh: mướp đắng, cà chua, đậu begal…Tuy nhiên, người tiểu đường nên hạn chế một số loại rau củ như: khoai tây, củ từ, khoai lang…Bên cạnh đó, khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường bạn cần chú ý trong việc chế biến thực phẩm. Khi chế biến thức ăn cho người bệnh cần nấu chín, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn.
Cách này có vai trò vô cùng quan trọng để hạn chế không chỉ biến chứng về da mà còn hạn chế tất cả các biến chứng nguy hiểm khác.
Dưỡng ẩm cho da
Một cách khắc phục biến chứng về da do tiểu đường tương đối quan trọng nữa là dưỡng ẩm đầy đủ cho làn da.
Làn da của bệnh nhân tiểu đường thường thô ráp hơn rất nhiều so với người bình thường do thiếu nước. Nguyên nhân là bệnh làm suy yếu hệ tuần hoàn và dẫn tới khô da cũng như cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Ngoài ra, tiểu đường có thể khiến da mỏng hơn, đôi khi nhìn thấy rõ mạch máu, và các vết đốm trên da. Nếp nhăn có thể xuất hiện nhanh hơn và hằn sâu hơn khi bạn mắc tiểu đường.
Vì vậy, người bệnh cần phải bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên cũng như uống nước đầy đủ. Khi tiết trời hanh khô cần chăm sóc da kĩ càng hơn. Nên tránh nhiệt độ quá nóng, quá lạnh hoặc ngồi trong phòng quá khô (không đủ độ ẩm không khí) cũng như hạn chế dùng các sản phẩm tạo bọt như sữa tắm, sữa rửa mặt… vì có thể khiến da khô hơn.
Đi gặp bác sĩ ngay khi thấy bất cứ thay đổi nào của làn da
Nếu thấy vùng sẫm màu trên các nếp da, thường là ở vị trí khuỷu tay, khớp tay hoặc gáy, bệnh nhân nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra lại lượng đường huyết ngay. Các chuyên gia y khoa nhận định, những triệu chứng này có thể do gen hoặc hormone gây ra, nhưng cũng có thể là hậu quả của bệnh tiểu đường. Hàm lượng insulin tăng là tác nhân kích thích các tế bào da và sắc tố melanin – sắc tố trong tế bào, làm cho da có màu tối. Bất cứ thay đổi nào trên làn da cũng có thể là dấu hiệu bệnh có chuyển biến xấu.
Nguyễn Thị Hồng Tươi